Bùi Hải Yến, nữ sinh Khoa Môi trường:"Chỉ có tri thức mới cho em một cuộc sống tươi đẹp hơn"

Bùi Hải Yến, nữ sinh Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS), mặc dù vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường nhưng đã có một công việc ổn định với mức thu nhập nhiều sinh viên khác ao ước. Chia sẻ về những gì đã và đang gặt hái tại môi trường đại học, Bùi Hải Yến khẳng định lại một lời khuyên của thầy cô giáo tại HUS: Chỉ có tri thức mới cho em một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Tháng Tám về, tháng Tám với bao người có lẽ cũng như những tháng khác, nhưng với tôi, đó là thời khắc đặc biệt. Đặc biệt khi cũng chính thời điểm này những năm về trước, nếu không có nó, cuộc sống của tôi, của gia đình tôi không biết sẽ như thế nào.

Năm đó, một đứa học sinh nghèo như tôi tưởng chừng như đã không thể thực hiện giấc mơ trở thành sinh viên. Ngày ra Hà Nội nhận giấy báo nhập học cùng dì (em gái mẹ), đó là một ngày Hà Nội mưa tầm tã. Dì cháu tôi đến nhà một người chị đang làm việc tại HUS. Chị đưa tôi đến HUS, nhận giấy báo, nhận luôn cả những bảng thông báo về các khoản đóng góp mà tân sinh viên sẽ phải nộp ngay đầu kì học. Chưa vui mừng được bao lâu khi đã là tân sinh viên, lòng lại thêm những lo âu về gánh nặng chi phí học tập. Đứng giữa HUS, tôi hỏi chị “Chị ơi, hay em không đi học nữa, mẹ em là bệnh binh nặng, gần như không còn khả năng lao động, dì cũng đã tuổi trung niên, dì mẹ em đã nuôi em 18 năm nay rồi, học đại học thế này chắc gia đình em không đủ điều kiện chị ạ.” Chị im lặng, đưa tôi về nhà. Hôm đó, dì cháu tôi trở về nhà mà lòng nặng trĩu.

Một tuần sau, chị gọi cho tôi, chị bảo “Em cứ đi học, nếu em không đi thì công sức của mẹ dì em 18 năm qua là vô nghĩa, chị và thầy cô ở HUS sẽ giúp đỡ em”. Rồi tôi cũng quyết định nghe chị, nghe lời gia đình nhập học. Ngày ấy, hành trang của một đứa tân sinh viên như tôi chỉ là một cái hòm sắt đựng mấy bộ quần áo, mấy quyển sách, vài món đồ quê và niềm hi vọng có một tương lai tốt đẹp hơn. Có lẽ điều khiến tôi bất ngờ nhất hôm đó, là không chỉ một, mà rất nhiều thầy cô đã động viên và hỗ trợ tôi. Thầy cô Phòng Chính trị và Công tác Sinh viên giúp tôi ở KTX Mễ Trì. Gia đình chị giúp tôi tìm được quỹ học bổng “Thắp sáng niềm tin” và HUS giúp tôi hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng nhất để có được nguồn kinh phí từ Quỹ này của PVN. Vậy là chặng đường sinh viên của tôi bắt đầu từ đấy, trong sự xúc động nghẹn ngào, trong sự giúp đỡ và bao bọc của thầy cô tại HUS.

Cũng chính thầy cô, là người định hướng cho tôi thi vào chương trình  nhiệm vụ chiến lược của khoa Môi trường - Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Khỏi phải nói, với một đứa sinh viên tỉnh lẻ, lại thiếu thốn về mọi điều kiện như tôi, tiếng Anh là một “cực hình”. Những ngày đầu học tiếng Anh, lại học với các bạn tiếng Anh rất tốt, tôi gần như muốn bỏ cuộc. Cô giáo chủ nhiệm lớp tiếng Anh là người giúp tôi vượt qua những rào cản ấy, rồi dần dần tôi thích nghi được với chương trình, với tiếng Anh chuẩn, để rồi kỳ thi A1 đầu tiên, tôi đạt điểm cao nhất lớp. Thời gian trôi qua, các kỳ thi tiếp theo tôi vượt qua, mà nói đúng hơn là vượt qua chính bản thân mình.

Cũng năm đầu tiên đó, chị - người đã đưa tôi đến với HUS, giới thiệu cho tôi việc gia sư. Cuộc sống sinh viên của tôi bớt chật vật đi nhiều. Các thầy cô ở HUS vẫn động viên và dõi theo tôi trong suốt hành trình gian khó ấy. Đôi khi là lời hỏi thăm của thầy mỗi lần gặp tôi ở giảng đường, khi là lời thông báo của thầy cô: “Yến ơi, em nhận được học bổng loại A kỳ này rồi”, khi chị lại gọi điện trực tiếp cho mẹ hỏi thăm tình hình sức khỏe mẹ và dì tôi.

Hải Yến gặp gỡ và trao đổi với đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel về việc thúc đẩy thương mại giữa hai nước Việt Nam và Israel

Sau một năm học tại Trường Đại học Ngoại ngữ, tôi trở về HUS với việc học chuyên ngành. Môi trường học ở đây hoàn toàn khác với những người bạn của tôi ở những trường khác. Thầy cô, bạn bè ở HUS và cả môi trường học tập đổi mới khiến tôi thay đổi rất nhiều. Thay vì phải lo “chạy điểm, xin điểm” cuối mỗi kỳ học là việc phải luôn tự cố gắng trong suốt quá trình học tập. Đổi mới trong dạy học, minh bạch trong các kỳ thi, nói không với “chạy điểm”, với đứa sinh viên nghèo như tôi, đó là một điều may mắn.

Năm tháng qua đi, sau thời gian hoạt động và học tập tại HUS, HUS không chỉ dạy tôi về kiến thức, mà còn cả hoạt động xã hội và kỹ năng khác. Sau khi thử thi IELTS được 7.0, tôi quyết định thử sức xin đi học tại Israel. Bằng vốn tiếng Anh có được tại trường, cộng với các môn học đã học tại HUS, tôi may mắn được nhận. Thời gian học tại Israel, tôi quyết định học chuyên về Nông nghiệp Công nghệ cao, một ngành mà thời điểm ấy tại Việt Nam, khái niệm đó đang rất mơ hồ.

Cũng bằng vốn tiếng Anh có được, tôi đã liên hệ được một bác sĩ người Đức sang Việt Nam dự Hội thảo để chữa bệnh cho mẹ tôi, người trải qua hàng chục lần phẫu thuật đau đớn gần như kiệt sức. Những kỹ năng mà trường đại học dạy cho tôi không chỉ cho tôi một công việc đầy đam mê mà còn có ý nghĩa với gia đình, với mẹ tôi, vời dì tôi…đó là điều tôi vô cùng biết ơn.

Lời của những thầy cô HUS từ ngày đầu nhập học vẫn luôn theo tôi, động viên tôi trong suốt quá trình gian nan ấy. “Chỉ có con đường học mới giúp em thoát khỏi số phận, chỉ có tri thức mới mang em đến với cuộc sống tươi đẹp hơn”. Có thể nói nếu như không có HUS, không có những thầy cô ở đó, thì tôi cũng chẳng có ngày tháng ở Israel. Tôi tiếp cận và hòa nhập rất nhanh môi trường giáo dục ở Israel, bởi nó khá tương đồng với HUS về tính minh bạch, sự cởi mở trong học tập, và có cả những động lực khiến tôi phải không ngừng cố gắng.

Tôi quyết định mang nông nghiệp Israel - nền nông nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới về Việt Nam. Thật bất ngờ khi những thầy cô ở đó, vẫn luôn dõi theo và ủng hộ tôi. Và tôi, lại đang ấp ủ những dự án mới với chính những thầy cô HUS.

Hải Yến làm việc tại NUVISRAEL 

HUS có thể không phải là ngôi trường có thuộc top các đại học có sức hấp dẫn cao nhất Việt Nam, nhưng ngôi trường ấy vẫn bình lặng đào tạo nên những nhà khoa học mà như lời một thầy giáo Israel của tôi đã nói “Khoa học là nền tảng của mọi ngành, mọi nghề. Tôi không biết ở nước em như thế nào, nhưng với đất nước Israel chúng tôi, người làm khoa học là những người được tôn vinh nhất”.

Giờ đây, khi đang triển khai những dự án nông nghiệp Israel tại Việt Nam của công ty NUVISRAEL tôi vẫn luôn nhớ đến 2 cơ sở đào tạo nghề nghiệp có ý nghĩa với cuộc đời mình. HUS là trường đại học đầu tiên, còn Ben-Gurion (Israel) dường như là trường đại học thứ 2 của tôi.  Và tôi cũng hiểu, HUS là nền tảng của tôi ngày hôm nay.

Tuyển dụng

>