Gặp mặt cựu sinh viên, trao học bổng và hướng nghiệp việc làm cho sinh viên Công nghệ kĩ thuật hạt nhân, Khoa Vật lý

Nhiều lĩnh vực “nóng” như y học hạt nhân, vật lý xạ trị, công nghiệp, phóng xạ môi trường,... đang cần cử nhân Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân. Điều này thể hiện rõ nét trong “Ngày hướng nghiệp 2018” của ngành Công nghệ Kỹ thuật Hạt Nhân (CNKTHN), Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), ĐHQGHN. Sự kiện diễn ra vào ngày 18/11/2018 này đã được đánh giá cao bởi sự hữu ích, thiết thực đối với sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi giao lưu

Chương trình có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng như: Trung tâm đánh giá không phá hủy (NDE), Viện Hóa học - Môi trường Quốc sự, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Trung tâm Dự toán Phóng xạ - Hóa học/Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Hóa học, các bệnh viện (K, Vimec, Đa Khoa Bắc Ninh, C Thái Nguyên, Bãi Cháy,…), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,...

Theo TS. Hoàng Chí Hiếu - Phó Trưởng Khoa Vật lý, Khoa mong muốn tiếp nhận thêm nhiều ý kiến từ cựu sinh viên, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cũng như sinh viên và giảng viên trong Khoa tại buổi giao lưu hướng nghiệp nhằm tiếp tục điều chỉnh, cập nhật khung chương trình đào tạo, nâng cao chất lựợng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

TS. Hoàng Chí Hiếu - Phó trưởng Khoa Vật lý phát biểu khai mạc

Khoa Vật lý của Trường ĐHKHTN đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào và vui mừng khi Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam có lĩnh vực Vật lý được xếp thứ 502 toàn cầu trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities rankings) lần thứ 5 năm 2018.

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Hoàng Chí Hiếu - Phó Trưởng Khoa Vật lý chia sẻ: “Ngành CNKTHN là một trong ba ngành mũi nhọn của Khoa. Sinh viên ngành CNKTHN được trang bị những kiến thức về công nghệ kỹ thuật hạt nhân, ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiêp hiện đại, điện tử hạt nhân, an toàn bức xạ hạt nhân, y học xạ trị và chẩn đoán hình ảnh,...”.

TS cho biết thêm, sinh viên được tham quan và thực tập thực tế, làm khóa luận tốt nghiệp tại nhiều cơ sở như Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Trung tâm đánh giá không phá hủy, Trung tâm Vật lý hạt nhân, Viện y học phóng xạ và u bướu quân đội, Bệnh viện K, Bệnh viện 108,... Qua đó, sinh viên có đủ năng lực làm việc trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân như: giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, bệnh viện (Vinmec, K, 103, 108,…).

PGS.TS. Bùi Văn Loát chủ trì buổi giao lưu

Chủ trì buổi giao lưu hướng nghiệp ngành CNKTHN, PGS.TS. Bùi Văn Loát đã tổng kết lại thành quả một năm qua của bộ môn Vật lý Hạt nhân và kế hoạch triển khai khung chương trình đào tạo mới. PGS. TS. Bùi Văn Loát mong muốn qua buổi giao lưu hướng nghiệp, các nhà tuyển dụng tạo điều kiện cho các em sinh viên ngành CNKTHN có thêm nhiều cơ hội được thực tập và làm việc tại doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình, các cựu sinh viên ngành CNKTHN đã có những ý kiến đóng góp về chương trình đào tạo (CTĐT) cũng như kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực khác nhau.

Thầy Nguyễn Xuân Kử - Nguyên trưởng Khoa Vật lý Xạ trị - Bệnh viện K

Thầy Nguyễn Xuân Kử - Nguyên Trưởng Khoa Vật lý Xạ trị - Bệnh viện K đánh giá: “Y học hạt nhân và vật lý xạ trị ung thư đang phát triển rất nhanh. Chưa kể đến các bệnh viện tuyến trung ương mà tại các bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên,... đều trang bị từ 1 đến 2 máy gia tốc xạ trị. Chất lượng điều trị, công nghệ máy gia tốc và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ngày càng phát triển do đó sinh viên cần phải thường xuyên cập nhật các thông tin mới về khoa học kỹ thuật, nhà trường cập nhật CTĐT để kịp thời đáp ứng được với nhu cầu tuyển dụng trong tương lai”.

Anh Trần Bá Bách  - Chuyên viên xạ trị - BV Vinmec chia sẻ tại buổi giao lưu

Anh Trần Bá Bách - Chuyên viên xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chia sẻ: “Các bệnh viện tại Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực có chuyên ngành về xạ trị, từ đó đòi hỏi các trường đại học đào tạo thêm về các chuyên ngành ứng dụng hạt nhân để kịp thời nắm bắt xu thế. Bệnh viện Vinmec luôn mở rộng cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên với các yêu cầu về chuyên môn và khả năng tiếng Anh tốt”.

Thầy Nguyễn Hữu Quyết - Phó Viện trưởng - Viện Khoa học & Kỹ thuật Hạt nhân

Thầy Nguyễn Hữu Quyết - Phó Viện trưởng - Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân - cựu sinh viên Khoa Vật lý K39 đánh giá: “Y tế xạ trị của Việt Nam 10 năm gần đây phát triển rất mạnh, cơ sở vật chất và các thiết bị được đầu tư có thể sánh ngang với các nước G7, từ đó yêu cầu sinh viên ra trường có trình độ chuyên môn cao để có thể vận hành những thiết bị này. Viện sẵn sàng đón nhận sinh viên Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN vào thực tập và làm việc”.

PGS.TS. Phạm Đức Khuê - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Khoa học Hạt nhân

“Ngoài cơ hội việc làm trong lĩnh vực y học hạt nhân, vật lý xạ trị, trong lĩnh vực công nghiệp thì nhu cầu việc làm trong lĩnh vực quan trắc, đánh giá phóng xạ môi trường cũng rất cao” – PGS.TS. Phạm Đức Khuê - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Khoa học Hạt nhân khẳng định.

Ban liên lạc Cựu Sinh viên Vật lý Hạt nhân đã trao tặng 02 suất học bổng cho 2 sinh viên Trịnh Thúy Nguyện (K61 CNHN) và Đỗ Mạnh Đức (K60 CNHN ĐA).

Kết thúc buổi tọa đàm, Ban liên lạc Cựu sinh viên Vật lý Hạt nhân đã trao tặng 02 suất học bổng với giá trị 2.000.000đ/1 suất cho sinh viên Trịnh Thúy Nguyện (K61 CNHN) và Đỗ Mạnh Đức (K60 CNHN ĐA) nhằm tiếp thêm động lực học tập cho các bạn sinh viên.

Tuyển dụng

>