TS. Nguyễn Tuấn Anh - cựu sinh viên cử nhân khoa học Tài năng khoa Sinh học

Nghiên cứu về MicroRNA của TS. Nguyễn Tuấn Anh, cựu sinh viên của Trường ĐHKHTN, được Hiệp hội Khoa học và công nghệ Hàn Quốc bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học tiêu biểu của Hàn Quốc năm 2015

Nguyễn Tuấn Anh trước đây đã từng là học sinh đạt Huy chương Đồng tại Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 13, là cựu sinh viên Hệ đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng của Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Nguyễn Tuấn Anh có thời gian (2004 - 2006) làm nghiên cứu khoa học và thực hiện khóa luận tốt nghiệp tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein (PTNTĐCNEP) dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa và PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Anh. Nguyễn Tuấn Anh đã tốt nghiệp đại học loại giỏi và dành giải Nhất về nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKHTN năm 2005. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Tuấn Anh đã sang học nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (Korea Advanced Institute of Science and Technology, KAIST) và đã tốt nghiệp tiến sĩ vào năm 2012. Tiến sĩ Tuấn Anh hiện là nghiên cứu viên quốc tế duy nhất tại trung tâm Nghiên cứu RNA, thuộc Viện nghiên cứu khoa học cơ bản (Institute of Basic Science) do GS.TS. Narry Kim làm Giám đốc. 

Trong 9 năm học tập và làm việc tại Hàn Quốc, TS. Nguyễn Tuấn Anh cùng các giáo sư và đồng nghiệp đã công bố 11 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI uy tín, trong số này có 2 công trình đăng tải trên tạp chí Cell, là một trong các tạp chí có chỉ số trích dẫn cao và uy tín hàng đầu trên thế giới, và TS. Nguyễn Tuấn Anh là tác giả đầu (first author). Đặc biệt hơn, bài báo đăng năm 2015 (Nguyen TA, Jo MH, Choi YG, Park J, Kwon SC, Hohng S, Kim VN* and Woo JS (2015) Functional anatomy of the human MicroprocessorCell 161, 1374-1387) đã được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc bình chọn là 1 trong 10 sự kiện Khoa học nổi bật của năm 2015; Trung tâm nghiên cứu thông tin Sinh học (một trang thông tin sinh học lớn nhất Hàn Quốc) chọn là 1 trong 5 nghiên cứu cơ bản của năm 2015.  Đây là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của TS. Nguyễn Tuấn Anh, mà còn là của Trường ĐHKHTN, nơi đào tạo Tuấn Anh những bước đầu tiên trong nghiên cứu khoa học.

 

/DATA/sites/default/files/NewsFiles/sv15_1.jpg

Phòng thí nghiệm (lab), nơi TS. Nguyễn Tuấn Anh đang làm tập trung vào giải quyết các câu hỏi liên quan đến RNA mã hóa và RNA không mã hóa. Một trong số các hướng nghiên cứu là tìm hiểu quá trình sinh tổng hợp của microRNA (miRNA). Đây cũng là hướng nghiên cứu chính của anh. MiRNA là phân tử RNA nhỏ, ở người kích thước của chúng vào khoảng 22-23 nucleotide, nhưng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiều quá trình của tế bào, trong đó có sự phát triển của ung thư và sự biệt hóa của tế bào gốc. Do đó, những hiểu biết về quá trình sinh tổng hợp của chúng là rất cần thiết. Mười lăm năm qua, khoa học chứng kiến những phát kiến thú vị về con đường sinh tổng hợp miRNA và các enzyme tham gia vào quá trình đó. Những thành quả từ phòng thí nghiệm nơi TS. Nguyễn Tuấn Anh làm việc đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết này. Tuy nhiên, cơ chế phân tử của quá trình này vẫn còn biết rất ít. Tuấn Anh cùng các nhà khoa học trong nhóm đã nỗ lực lớn trong thời gian dài để tìm hiểu cơ chế phân tử của các enzyme với mục tiêu trả lời được câu hỏi là bằng cách nào mà quá trình sinh tổng hợp miRNA lại được thực hiện một cách rất chính xác và nhịp nhàng. Thật may mắn, gần đây nhóm của anh đã phát hiện ra cơ chế thú vị của Microprocessor, một phức hệ tham gia vào quá trình sinh tổng hợp miRNA. Nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Tuấn Anh đã đề xuất một mô hình toàn diện về hoạt động của Microprocessor, qua đó đưa ra lời giải đáp cho mâu thuẫn tồn tại suốt 10 năm qua về vấn đề này. TS Nguyễn Tuấn Anh đã có dịp về thăm Khoa Sinh học, Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein và trình bày công trình nghiên cứu nổi bật của mình với cán bộ và sinh viên tại Trường vào cuối năm 2015. Hiện tại, nhóm của TS. Nguyễn Tuấn Anh đang tiếp tục nghiên cứu enzyme thông qua việc kết hợp nhiều kỹ thuật quan trọng như enzyme học, tinh thể học, thí nghiệm đơn phân tử (single molecule experiment) và tin sinh học. Hy vọng rằng những nghiên cứu cơ bản của nhóm sẽ có vai trò định hướng cho việc áp dụng thành tựu đạt được vào y học lâm sàng trong tương lai.

Tuyển dụng

>